Hứa hẹn nơi miền đất xanh Kon Plông
7-2-2017
Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của tỉnh Kon Tum nơi giữa hai đỉnh đèo Măng Đen và Vi Ô Lắc, huyện Konplông có diện tích tự nhiên 137.965 ha. Cùng cộng cư lâu đời trên vùng đất này có các dân tộc Xê đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng với những phong tục tập quán khác nhau đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong văn hóa cộng đồng vùng Đông Trường Sơn. Thế mạnh của Konplông chính là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn xanh thẳm, lại nằm trên điểm phân thủy giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, làm nên một vùng tiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ dao động trung bình từ 18 đến 240C. Rừng ở Konplông có độ che phủ 80,02%, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, lưu giữ nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: trầm gió, Pơ mu, thông đỏ và các loại dược liệu quý như: hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, cốt toái bổ, lá kim cương, mật ong rừng vv... Ẩn dưới những tán rừng nguyên sinh là hệ thống sông suối, thác, hồ mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất nơi đây. Trong đó địa danh Măng Đen là sự giao thao giữa đất trời, mây nước tạo nên chốn bồng lai tiên cảnh, như vương quốc thần tiên trong cổ tích.
Hứa hẹn nơi miền đất xanh Kon Plông

Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện KonPlông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Măng Đen- Konplông là nơi mà tiềm năng du lịch hiếm có, bên cạnh đó là các tiềm năng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nơi đây vừa có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, vừa có thể phát triển nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao...”. Cụ thể hóa định hướng phát triển Măng Đen trở thành vùng du lịch sinh thái quốc gia; ngày 05/02/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 298/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, đến năm 2030. Theo quyết định, vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen vừa là vùng bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia, vừa là vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái và là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum.

Triển khai quyết định 298, trong những năm qua tỉnh Kon Tum và huyện Konplông đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về phát triển du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị KonPlông. Qua đó tham vấn nhiều ý kiến quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư về định hướng chiến lược phát triển du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư tôn tạo cơ sở hạ tầng du lịch. Những con đường uốn lượn theo thế núi hình sông dưới đại ngàn rừng xanh được nâng cấp trải nhựa kết nối đến các địa điểm du lịch. Những hoạt động quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư liên tục được tổ chức. Hàng loạt các dự án nối tiếp nhau triển khai xây dựng. Địa danh Măng Đen dần dần hiện hữa với những công trình kiến trúc hiện đại, bề thế nằm nép mình dưới những tán rừng thông vi vu tiếng gió. Mỗi công trình kiến trúc như những nét chấm phá tô đẹp thêm giá trị thẩm mỹ cho cảnh quan thiên nhiên nơi đây, phù hợp với môi trường sinh thái và lưu giữ được nét tự nhiên vốn có. Từ kết cấu hạ tầng ngày một hoàn thiện, Măng Đen- Konplông dần trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và là trung tâm tổ chức các sự kiện lớn cấp khu vực miền trung Tây Nguyên với hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort và gần hai trăm biệt thự của các hộ gia đình, cá nhân, khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng cho du khách là rất lớn.

Từ trung tâm thị trấn, trong phạm vi bán kính 10 km, nhiều loại hình du lịch đã đưa vào hoạt động. Trong đó du lịch dã ngoại, ngắm cảnh có Khu du lịch sinh thái Hoàng Vũ Măng Đen được xây dựng trên diện tích 30 ha với tâm điểm là lòng hồ Toong Đam, một trong 7 hồ lớn có tên trong truyền thuyết “Bảy hồ ba thác” của người Xê Đăng Mơ Nâm với những loại hình như: vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, nhà hàng kết hợp với một số loại hình truyền thống khác.

Khu du lịch thác Pa Sỹ, một điểm dừng chân lý tưởng trong quần thể Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Dòng thác cao 30m đổ xuống vùng thung lũng hạ lưu tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, như bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Quy tụ trên một cánh rừng nguyên sinh ở Măng Đen còn có khu vườn tượng. Từ những dụng cụ thô sơ qua bàn tay chế tác của các nghệ nhân đã tạo thành những tác phẩm nghệ thuật dân gian mang ý nghĩa phồn thực, tượng trưng vô cùng độc đáo. Mỗi tác phẩm là một hình thái, linh hồn được mô phỏng từ cuộc sống sinh động của người dân Tây Nguyên. Được gọt đẽo, một cách tự nhiên, không chi ly cầu kỳ, không tính toán chính xác tỷ lệ nhưng vẫn mang đầy đủ tính nghệ thuật điêu khắc.

Cách trung tâm hành chính huyện hơn 1km về phía đông có khu đồi Đức mẹ một trong những địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Được phát hiện vào năm 2004, tượng đức mẹ hiện diện giữa khung cảnh núi rừng, thiên nhiên hoang sơ,  thu hút hàng chục nghìn người hành hương mỗi năm. Ngược về phía Tây hơn 3km, quần thể chùa Khánh Lâm Măng Đen xây dựng trên diện tích 10ha. Ngôi chùa có 2 tháp chuông 1 chánh điện, khu vực hành thiền nhà nghỉ của chư tăng, khu nhà khách dành cho phật tử ở xa về hành hương, chiêm bái.

Du lịch khám phá có Làng văn hóa cộng đồng thôn Tu Rằng, làng văn hóa cộng đồng thôn KonpRing, thôn Vi Ô Lắc với những giá trị văn hóa độc đáo truyền thống của các cư dân sinh sống trong vùng như: đốt lửa trại, giao lưu sinh hoạt, múa hát, cồng chiêng đã tạo thêm sự hài hòa về du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với văn hóa người bản địa.

Để tạo ra các sản phẩm đặc trưng góp phần phục vụ du lịch, chính quyền nơi đây còn chú trọng khai thác phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong vùng xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh ủy. Một trong những hướng đi được kỳ vọng đó là dự án nuôi cá tầm, cá hồi thương phẩm. Theo đánh giá của các chuyên gia Ucraina, tiềm năng nuôi cá tầm tại huyện KonPlông đứng hàng đầu khu vực Đông nam Á về chất lượng nước, độ thích nghi và quy mô. Hàng loạt các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng được xúc tiến triển khai thực hiện. Rất nhiều chủng loại hoa như cúc, xa lem, cẩm chướng, hồng, baby, li ly, hồ điệp, súp lơ xanh Nhật Bản, dâu tây, bí nhật của các tổ chức, cá nhân hộ gia đình trồng tại Măng Đen đều cho ra những dòng sản phẩm mới cung cấp cho thị trường khu vực. Hơn thế một số doanh nghiệp còn mạnh dạn đưa vào trồng các loại dược liệu quý như Sâm dây, đương quy, lá kim cương cũng cho kết quả khả quan. Trong các dự án đầu tư đáng chú ý là dự án Phát triển sản xuất nông nghiệp của tập đoàn Vingruop đầu tư với quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; dự án Quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao với quy mô 1.350 ha, tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen, được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới của Mỹ và các nước Châu Âu trong chăn nuôi dê sữa, khép kín từ vùng trồng thức ăn cho tới chuồng trại nuôi nhốt và nhà máy chế biến; Dự án nông trại hữu cơ của Công ty TNHH Kon Tum Bellest triển khai trên diện tích gần 100 ha đất. Dự kiến mỗi năm sản xuất khoảng 45 tấn đậu các loại và 1.200 tấn dâu tây cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Dự án nông nghiệp công nghệ cao do công ty TNHH Konplông Agri- Tourism liên kết hợp tác với công ty 4Ways Fresh (Australia) triển khai thực hiện trên quy mô 50 ha đến 100 ha với các sản phẩm chủ lực như dưa leo, ớt chuông, cà chua và cà tím vv... Những dự án trên hứa hẹn mở ra cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm rau, củ, quả, thịt thương phẩm và sữa dê cho Kon Plông- Kon Tum; tạo dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao và là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch tới tham quan.

Thực hiện quyết định 575 của thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum hiện  cũng đã quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen quy mô 10 nghìn ha. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xúc tiến thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao Măng Đen với quy mô trước mắt khoảng 200 ha. Ngoài ra tỉnh Kon Tum trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét thành lập trung tâm giống cỏ và trung tâm giống động vật quy mô Quốc gia tại huyện Konplông. 

Một số sản phẩm về ẩm thực mang hương vị đặc sản của núi rừng Konplông như: rượu cần nếp than, các loại rượu sim rừng; chuối rừng; rượu cốt toái bổ, rượu sâm; gạo lứt đỏ Măng Bút, các loại đồ uống khác hiện đã được huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Ngoài ra năm đặc sản và món ăn nổi tiếng của địa phương đã được xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Châu Á gồm: gà nướng Kon Plông, cá tầm Kon Plông, rượu vang sim Măng Đen, tiêu rừng Măng Đen và măng nứa khô Măng Đen.

Với mục tiêu phát triển du lịch một cách bền vững mang tầm quốc gia, hiện nay huyện Konplông đã lập một số quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt. Song song với đó, huyện đang tiến hành đẩy mạnh công tác rà soát, quản lý quy hoạch du lịch, quy hoạch đô thị. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, an toàn. Triển khai hợp tác, kết nối các tour tuyến du lịch liên vùng với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan vv…Bên cạnh đó tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách để tổ chức và cá nhân triển khai dự án hút đầu tư. Một số dự án mang tầm cỡ quốc gia đang chuẩn bị xúc tiến triển khai như Dự án xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao cho vận động viên Quốc gia, Khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công của Bộ Lao động Thương binh xã hội. Các dự án đang tiếp tục kêu gọi đầu tư gồm dự án: Sân bay Taxi Măng Đen, dự án xây dựng sân golf 36 lỗ, Dự án khu trung tâm thương mại và khu phố mật độ cao vv..

Về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện gồm: Quốc lộ 24, đường Trường Sơn Đông đã thông tuyến, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; tuyến tỉnh lộ 676 kết nối nội vùng đang được đầu tư nâng cấp, là những điều kiện cần, mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, khai thác và phát huy những tiềm năng thế mạnh về du lịch sinh thái của địa phương.

Dẫu biết rằng con đường phía trước vẫn còn đó nhiều thách thức đặt ra, song với những gì đã và đang khởi sắc, cùng với sự đồng hành đầy tâm huyết của các nhà đầu tư, trong tương lai không xa, Konplông sẽ hội nhập tích cực vào Hành lang kinh tế Đông - Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, trên hành trình “Con đường xanh Tây Nguyên” góp phần đem lại giá trị tăng trưởng nhanh cho ngành công nghiệp không khói, xây dựng Măng Đen- Konplông thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam./.

Vũ Trung Kiên  
Số lượt xem:4091