Tổng hợp kết quả giải quyết các ý kiến tại Chương trình cà phê khởi nghiệp ngày 11/3/2021
25-3-2021
Thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND, ngày 02/3/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông về tổ chức chương trình cà phê khởi nghiệp. Ngày 11/3/2021 UBND huyện đã tổ chức Chương trình cà phê khởi nghiệp. Dự chương trình có đại diện Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Thường trực UBMTTQVN huyện, lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đại diện hơn 20 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình. Tại chương trình đã có 08 lượt ý kiến phát biểu liên quan nhiều vấn đề; Các ý kiến cơ bản đã được Đ/c Đặng Thanh Nam-PBT, Chủ tịch UBND huyện tiếp thu, trao đổi tại chương trình, chỉ đạo các ban ngành liên quan tham mưu giải quyết, cụ thể như sau:
Tổng hợp kết quả giải quyết các ý kiến tại Chương trình  cà phê khởi nghiệp ngày 11/3/2021
CT

      1. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch chưa nhiều, chưa mạnh mẽ, cần xây dựng thương hiệu du lịch Măng Đen độc đáo, hấp dẫn.

Thời gian qua, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Măng Đen đã được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đa dạng, phong phú. Hiện nay, Kon Plông là huyện duy nhất trong tỉnh Kon Tum có Website, Fanpage riêng và Kênh YouTube chuyên quảng bá du lịch và các tiềm năng, thế mạnh của huyện (Website: dulichmangden.com; Fanpage: Du lịch Măng Đen). Trên Website và Fanpage thường xuyên cập nhật, đăng tải các hình ảnh, video clip, tin, bài quảng bá du lịch cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa-TT-DL&TT huyện thường xuyên cập nhật các trải nghiệm của du khách đến với Măng Đen. Các điểm, khu du lịch, tour du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, ẩm thực, dịch vụ để du khách lựa chọn. Huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tăng cường công tác phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự ảnh, video clip quảng bá cảnh quan, văn hóa, con người, vùng đất Măng Đen và huyện Kon Plông. Triển khai phát hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, đĩa DVD cung cấp các thông tin du lịch của huyện cho du khách… Tham gia các hoạt động thương mại, xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc (Tuần Văn hóa Du lịch, Lễ hội xuân, Lễ hội Hoa anh đào…) thu hút khách đến Măng Đen tham quan, trải nghiệm và nhiều hoạt động phong phú khác như: Kết nối tour du lịch, tổ chức hoạt động thể thao, đăng cai tổ chức các sự kiện của khu vực và của tỉnh vv…

Tuy nhiên, do xuất phát điểm của huyện còn nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp, do đó nguồn lực đầu tư cho truyền thông, quảng bá còn hạn chế. Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng công tác truyền thông, quảng bá bằng nhiều hình thức, có sự đột phá mạnh mẽ, mới lạ, hấp dẫn hơn đối với du khách gần xa (có thể mời các nghệ sỹ nổi tiếng, tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc; Thuê các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp tư vấn công tác truyền thông, quảng bá…; Đẩy mạnh quảng bá trên môi trường mạng; Đặt biển quảng bá du lịch tại một số sân vận động, sân bay, tuyến giao thông trọng điểm. Quan tâm đầu tư hạ tầng thể thao, hướng đến đăng cai tổ chức các giải thể thao lớn của khu vực Tây Nguyên và Quốc gia, lôi cuốn du khách, nhà đầu tư đến với Măng Đen…).

2. Về khẩu hiệu quảng cáo (Slogan) du lịch chưa độc đáo, hấp dẫn; chưa có các lễ hội mang dấu ấn riêng, khác biệt để thu hút du khách: Tiếp thu ý kiến góp ý, UBND huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn phối hợp tham mưu trong thời gian tới.

3. Phong trào Thể dục-Thể thao còn yếu, cần bố trí thêm sân chơi thể thao, tổ chức các giải thể thao quy mô, thu hút du khách.

Hiện nay, hạ tầng thể thao của huyện còn nhiều thiếu thốn: Sân vận động huyện chưa đảm bảo; Nhà thi đấu nhỏ, chưa có nhà thi đấu đa năng; Thiếu các khu tập luyện, thi đấu thể thao quy mô. Trong năm 2021, huyện bố trí kinh phí để đầu tư nhà thi đấu đa năng, sữa chữa các sân tennis cầu lông, nâng cấp sân vận động huyện…. từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện thi đấu thể thao. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng thể thao và kêu gọi các nguồn xã hội hóa để nâng cấp nhằm đảm bảo hạ tầng tiêu chuẩn để tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực Tây Nguyên và Quốc gia.

4. Thiếu các điểm vui chơi, giải trí. Thời gian lưu trú của du khách không nhiều.

Thời gian qua, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện đã được chính quyền và các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, trải nghiệm của du khách (Pa Sỹ, Đăk Ke, Đam Bri, Ê Ban, Làng Văn hóa-Du lịch cộng đồng Kon Pring, nhiều homestay, Farmstay...) Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn chưa có điểm vui chơi, giải trí lớn tầm cỡ như các địa phương có sự phát triển mạnh về du lịch. Huyện kêu gọi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, tâm huyết hơn nữa của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bởi nguồn vốn ngân sách chỉ đầu tư được hạ tầng cơ bản, địa phương gặp khó khăn rất lớn về nguồn thu ngân sách. Do đó, thời gian tới, huyện sẽ nỗ lực kết nối các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh đến đầu tư các khu vui chơi, giải trí tầm cỡ, nhằm thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú, thúc đẩy phát triển du lịch.

5. Quản lý hoạt động Karaoke (không quá 22h).

Ủy ban nhân dân huyện ghi nhận nội dung đề nghị. Trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, ngày 19/6/2019 của Chính phủ về quy định về kinh doanh dịch vụ Karaoke, kinh doanh dịch vụ Vũ trường. Cụ thể:  Khoản 2, Điều 7 Nghị đinh 54 quy định: Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng ( đối với hoạt động Karaoke ) và  Khoản 1, điều 8 Không được hoạt động từ 02 giờ sáng đến 08 giờ sáng đối (với kinh doanh dịch vụ Vũ trường).  

6. Văn hóa ứng xử trong vùng du lịch.

Từ năm 2018, UBND huyện đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong vùng du lịch sinh thái Măng Đen. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp và du khách. Trong đó, có các quy định cụ thể cho người dân, doanh nghiệp, du khách. Tuy nhiên, ý thức của bộ phận CBCC, người dân, khách du lịch  chưa tốt dẫn đến có sự việc, hành động, hình ảnh phản cảm xảy ra. Thời gian tới, huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa-TT-DL&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn cụ thể hóa một số nội dung chủ yếu, chế tài đủ mạnh để tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, Nhân dân và du khách nhằm xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen là điểm đến văn hóa, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, giàu bản sắc.

7. Ý thức bảo vệ môi trường, tình trạng xả rác bừa bải:

UBND huyện tiếp thu chỉ đạo các phòng ban liên quan, UBND thị trấn Măng Đen tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Đã chỉ đạo Trung tâm văn hóa tăng cường tuyên truyền bằng loa phóng thanh; Trung tâm môi trường & Dịch vụ đô thị lắp đặt thêm các bảng tuyên truyền về môi trường cấm vớt rác bừa bãi; Bố trí thêm các thùng rác; Tăng thời gian thu gom rác; Huyện đoàn đã tập hợp đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh, thu gom rác vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần....

8. Công suất nhà máy nước hiện tại không đảm bảo cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhà máy nước của huyện hiện tại có công suất 2.000m3/ngày đêm được đầu tư từ năm 2010. Đến nay do quy mô dân số tăng lên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh nên công suất nhà máy nước không đủ cấp nước, dẫn đến thiếu nước, hụt nước cục bộ. Trước mắt trong năm 2021 huyện đầu tư thêm bể chứa để tăng thời gian cấp nước, tu sữa đường ống, van điều tiết để đảm bảo cấp nước. UBND huyện đang lập dự án đầu tư Nhà máy nước số 2 trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với quy mô 7.000m3/ngày/đêm, kinh phí khoảng 90 tỷ đồng để đảm bảo nước sinh hoạt trong thới gian tới.

9.  Huyện cần trồng thêm nhiều loại hoa:

Thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch chỉnh trang đô thị[1]; trong đó tập trung chỉnh trang, trồng hoa các điểm du lịch, các tuyến đường trung tâm, khu vực công viên trung tâm huyện; về cơ bản các địa điểm nêu trên đều đã được trồng cây, hoa các loại đáp ứng được mỹ quan đô thị và thu hút được nhiều khách du lịch đến thăm quan. Thời gian tới, tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác trồng rừng, trồng hoa trên các diện tích đất trống.

10. Quy hoạch đầu tư “Cầu săn mây” tạo điểm thu hút khác biệt, riêng có của Măng Đen:

Năm 2021, UBND huyện đã có Kế hoạch đầu tư dự án Cầu vọng cảnh 1 tháp với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng; dự án ngoài mục tiêu là phục vụ giao thông nội vùng du lịch còn là điểm để tham quan, săn mây thu hút khách du lịch.

11. Rà soát, chỉnh trang các điểm công cộng đảm bảo mỹ quan cũng như an toàn cho người dân:

- Đang chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Trung tâm môi trường & Dịch vụ đô thị thường xuyên kiểm tra hệ thống tấm đanh các tuyến đường khu trung tâm huyện và có kế hoạch chuẩn bị số lượng dự phòng thay thế khi cần thiết.

- Đèn pha tại vòng xoay ngã 5 đầu đèo Măng Đen đã được Trung Tâm môi trường và Dịch vụ đô thị lắp tạm để trang trí hoa chỉnh trang tết nguyên đán năm 2021và nay đã tháo gỡ.

- Thay thế vòng xoay tam giác giao giữa Quốc lộ 24 với đường Tỉnh lộ 676: Nội dung này UBND huyện tiếp thu. Trước mắt kiến nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh gắn biển báo hạn chế tốc độ; trong thời gian tới, làm việc với Sở Giao thông vận tải tỉnh sớm có giải pháp khắc phục.

- Chuyển vị trí các thiết bị tập thể dục khu vực vỉa hè gần vòng xoay: Đang chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Trung Tâm môi trường và Dịch vụ đô thị kiểm tra tham mưu vị trí lắp, đặt phù hợp.

- Quản lý khu ẩm thực khu ẩm thực đem đảm bảo mỹ quan, ánh sáng phù hợp và vệ sinh môi trường: Đang chỉ đạo UBND thị trấn xây dựng quy chế, tổ chức quản lý kinh doanh đảm bảo cảnh quan vệ sinh môi trường.

12. Vùng nguyên liệu (sâm dây) rất ít, không đảm bảo để xây dựng nhà máy chế biến. Cần tăng cường quản lý cung cấp giống chất lượng cho nhân dân, thực tế các giống sâm dây cấp về cho người dân kém chất lượng dẫn đến cây không phát triển hoặc phát triển rất chậm không đem lại hiệu quả kinh tế gây lãng phí:

Hiện nay, trên địa bàn huyện có các đơn vị sản xuất, cung ứng giống cây trồng như Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trưởng Cao đẳng nông lâm Nam bộ cơ sở 3 và một số cá nhân, hộ gia đình; UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt về công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp; không để tình trạng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp kém chất lượng lưu thông, cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất giống cây trồng vẫn chưa có Chứng nhận sản xuất và kinh doanh giống theo quy định. Trong thời gian tới Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.

Trong thời gian qua Ủy ban Nhân dân huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ hộ dân trên địa bàn phát triển cây dược liệu. Trong đó, tập trung chủ yếu là nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên diện tích hỗ trợ chưa nhiều; đồng thời đầu tư cho phát triển dược liệu kinh phí lớn nên hộ dân không có nguồn đầu tư nên diện tích phát triển còn chậm. Đồng thời, hiện nay thời tiết có nhiều thay đổi, nắng nhiều trong khí đó chưa xây dựng được các công trình thủy lợi, hệ thống tưới để đảm bảo nước tưới cho diện tích dược hiệu ở các vùng đồi núi nên hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao.

Để tiếp tục phát triển cây dược liệu trong thời gian tới đạt hiệu quả cao. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển dược liệu để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện; Xác định Doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển dược liệu, hộ dân là các vệ tinh liên kết cùng Doanh nghiệp. Vận động, thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu, có chính sách hỗ trợ về giống, phân bón cho người dân tham gia phát triển cây dược liệu... tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng công nghệ cao Măng Đen và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đảm bảo có đủ năng lực thực hiện việc khảo nghiệm, nhân giống cung cấp các loại giống cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn huyện 

13. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện Kon Plông tương đối cao, đây là điểm mạnh và lợi thế của huyện, cần tiếp tục duy trì và phát huy:

Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng luôn được chú trọng, tăng cường; triển khai kế hoạch tổ chức tuần tra, truy quét qua đó đã ngăn chặn hạn chế các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện. Với tiềm năng và lợi thế về rừng kết hợp với các điều kiện thuận lợi khác đã từng bước góp phần phát triển về du lịch; nông nghiệp kết hợp du lịch, quản lý bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu, … 

Để tiếp tục duy trì và phát triển rừng trong thời gian tới; được sự chỉ đạo của Tỉnh, Huyện ủy; UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu xây dựng Kế hoạch trồng rừng năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, xác định mục tiêu cụ thể như sau: Năm 2021: Trồng rừng: 300 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng: 600 ha, trồng cây phân tán: 25.000 cây; giai đoạn 2021 - 2025: Trồng rừng: 1.180 ha, khoanh nuôi phục hồi rừng: 600 ha, trồng cây phân tán: 104.840 cây. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tham mưu UBND huyện các giải pháp, nội dung để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2021 đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

14.  Về điều chỉnh dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất dịch vụ để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và dịch vụ:

Các dự án đầu tư vào địa bàn phải tuân thủ theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai... và các văn bản pháp lý liên quan. Xu thế phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và dịch vụ hiện nay đang phát triển mạnh mẽ. Tiếp thu ý kiến, UBND huyện sẽ làm việc với các sở ngành liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

15. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân:

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thường xuyên quán triệt, cán bộ, công chức, viên chức, khi thực hiện công vụ phải có tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo tinh thần của Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Kết luận số 1663/KL-TU, ngày 24/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 8/8/2018 của UBND huyện Kon Plông.

- Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức được các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc. Một số cơ quan, đơn vị tiến hành cụ thể hóa “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức” gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế Văn hóa công sở và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị đều thi hành đúng chức trách, nhiệm vụ của mình theo các chuẩn mực pháp luật quy định. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không được dùng Ngân sách Nhà nước mua quà tặng, quà biếu sai quy định; nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không đúng chế độ, định mức, đối tượng pháp luật quy định, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

16. Mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho nhà hàng, khách sạn:

Ủy ban nhân dân huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu trên địa bàn huyện. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 19/CV-PLĐ ngày 17/02/2021 phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum thông báo cho người lao động trên địa bàn huyện về việc tuyển sinh, đào tạo nghề dịch vụ nhà hàng, khách sạn Thông báo số 229/TB-CĐCĐ của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum). Trường hợp đơn vị, cá nhân có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng tại huyện, đăng ký về Phòng Lao động-TBXH để Phòng tổng hợp, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

17. Hướng dẫn các nhà nghĩ, khách sạn, homestay… khai báo lưu trú bằng hình thức trực tuyến:

          Hiện nay, Công an huyện chỉ đạo Công an Thị trấn Măng Đen hướng dẫn  các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, homestay…) trên địa bàn huyện chủ yếu thông báo lưu trú cho Công an các xã, thị trấn bằng 03 hình thức là khai báo trực tiếp, qua điện thoại, hoặc qua mạng internet theo khoản 3, Điều 21, Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/04/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, từ trước tới nay.

Sau khi tiếp nhận ý kiến từ chương trình Cà phê khởi nghiệp, Công an huyện đã chỉ đạo Công an Thị trấn Măng Măng Đen tạo trang zalo trực tuyến và các tổ chức, cá nhân cần hướng dẫn các thông tin lưu trú theo Trang zalo: “Công an thị trấn Măng Đen” theo số điện thoại 0971 349 641 và gọi trực tiếp theo số điện thoại 0260 6559 099.

Tải về Báo cáo tổng hợp kết quả tại đây


[1] Kế hoạch 960/KH-UBND ngày 05/8/2019; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 18/01/2021;Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 19/01/2021; Công văn số 96/UBND-VP ngày 19/01/2021

 

Đình Nghĩa - Văn phòng HĐND & UBND huyện  
Số lượt xem:1433