Ngày 26/4/2025, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 269/ QĐ-UBND về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 huyện Kon Plông.
Theo Quyết định, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Kon Plông với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
Về diện tích, cơ cấu các loại đất đến năm 2030 bao gồm: đất nông nghiệp là 129.812,82 ha; đất phi nông nghiệp là 7.065,5 ha; đất chưa sử dụng 246,25 ha. Diện tích đất cần thu hồi trong kỳ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất, cụ thể: đất nông nghiệp 1.036,46 ha. đất phi nông nghiệp 190,81 ha.
Diện tích cần chuyển mục đích sử dụng đất trong kỳ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất bao gồm đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 2.124,11 ha; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp 2.050,43 ha; chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện các dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn 80,00ha; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất phi nông nghiệp 45,28 ha.
Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng đất trong kỳ Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất bao gồm: đất nông nghiệp 770,54 ha và đất phi nông nghiệp 25,61 ha.
Trên cơ sở các điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, UBND huyện Kon Plông thực hiện việc công bố Điều quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Kon Plông theo đúng quy định của pháp luật về đất đai để cho các tổ chức, cá nhân được biết và nâng cao công tác giám sát thực hiện Quy hoạch sử dụng đất; Xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với nhu cầu phát triển của huyện, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, tránh lãng phí, làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; việc chuyển mục đích sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của cấp huyện và các quy định pháp luật khác; việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa nước thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, đảm bảo độ che phủ đối với diện tích rừng, duy trì, phát triển đất rừng, phòng chống xói mòn, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội, an toàn cho người dân.Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./