banner
Thứ 5, ngày 18 tháng 4 năm 2024
Huyện Kon Plông tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ III
31-5-2019

Đến dự đại hội, có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum; Nguyễn Xuân Đức - Vụ trưởng Vụ Địa phương II-Ủy ban Dân tộc; Các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum; đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Huyện

Về phía huyện Kon Plông có các đồng chí: Y Lang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện; Bùi Đoàn Khương, Phó Bí thư Huyện ủy; Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện; Lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Lãnh đạo 09 xã cùng 140 đại biểu đại diện cho hơn 22.000 đồng bào DTTS trong huyện.

Nhân dịp đại hội đại biểu các DTTS của huyện lần thứ III năm 2019, vào tối ngày 23/5 và sáng 24/5, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện và các đơn vị tổ chức biển diễn nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng.

Tiếp đó, vào sáng ngày 24/5, trước giờ khai mạc đại hội, các đồng chí lãnh đạo huyện và đại biểu dự đại hội tổ chức Lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ huyện.

  Theo báo cáo chính trị trình tại Đại hội cho biết: Đến tháng 5/2019, toàn huyện có 7.115 hộ với 26.460 nhân khẩu, trong đó, 6.021 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 22.594 khẩu, chiếm tỷ lệ 85,3% dân số toàn huyện, bao gồm các dân tộc thiểu số: Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong và Hre.

 Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Kon Plông lần thứ II năm 2014 đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về công tác dân tộc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh; An ninh-Quốc phòng được giữ vững; Diện mạo nông nghiệp-nông thôn có sự đổi thay rõ nét, tạo chuyển biến tích cực mọi mặt đời sống xã hội. Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.

Điển hình như Chương trình 135 (giai đoạn III) về đầu tư cơ sở hạ tầng: Đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2015 là 05 công trình với tổng kinh phí thực hiện hơn 10,8 tỷ đồng. Dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 là 62 công trình với tổng kinh phí thực hiện hơn 43,6 tỷ đồng. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 công trình giao thông nông thôn, 08 công trình cầu treo dân sinh, 3 công trình nước sinh hoạt, 03 công trình thủy lợi, 18 Nhà văn hóa các thôn theo chuẩn nông thôn mới, tổng kinh phí đã thực hiện là 27,7 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện duy tu, bảo dưỡng 29 công trình các loại vv...

Giai đoạn 2014-2018, hỗ trợ phát triển sản xuất cho Nhân dân về phân bón, các giống cây trồng như cà phê, tre lấy măng, lúa, sắn, keo lai, giống heo địa phương, trâu bò sinh sản, dê địa phương, máy tuốt lúa, cá nước ngọt, mô hình lò sấy măng, với tổng kinh phí trên 58,8 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, huyện đã triển khai hỗ trợ di dời tái định cư xen ghép cho 277 hộ dân tộc thiểu số (DTTS), với 1.620 nhân khẩu. Đồng thời, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhà ở cho 1.658 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng; giúp các hộ ổn định nơi ăn, chốn ở, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của huyện theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ), với 59 công trình, tổng kinh phí 133,6 tỷ đồng. Đến nay đã thực hiện xong 34 công trình và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 113,26 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến quý I năm 2019, tổ chức thăm hỏi, tặng 540 suất quà cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, tổng kinh phí 474,8 triệu đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn các loại giống ngô lai, bời lời, muối i-ốt với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện còn quan tâm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn, lồng ghép, thực hiện đầu tư các công trình về giao thông, khu thể thao thôn, xã; phòng học tại các điểm thôn, công trình nước sinh hoạt. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ 15.610 lượt học sinh bán trú với số lượng gạo hơn 1.942 tấn, kinh phí 42,8 tỷ đồng. Hỗ trợ ăn trưa cho gần 12.600 lượt trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng. Các chính sách về y tế chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, đặc biệt là chính sách dành cho người DTTS được quan tâm thường xuyên, kịp thời, đúng đối tượng.

Hệ thống cơ sở y tế được đầu tư đồng bộ từ huyện đến xã, đáp ứng yêu cầu công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; 8/9 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; Các trạm y tế xã đều có bác sỹ phụ trách.

Hạ tầng về điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, mạng lưới thông tin liên lạc, sóng điện thoại di động từng bước được đầu tư đến các thôn làng, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trong huyện.

Công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề và xuất khẩu lao động được thực hiện thường xuyên từ huyện đến các xã, trong giai đoạn 2014-2019 có 71 thanh niên đồng bào DTTS đi xuất khẩu lao động.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực hưởng ứng, cùng chung tay góp sức, tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động tham gia xây dựng các công trình như đường giao thông nông thôn, cầu treo, nhà văn hóa, khu tập luyện thể thao. Đến nay 9/9 xã đã hoàn thành quy hoạch chung, lập Đề án xây dựng nông thôn mới và được phê duyệt; có 01 xã đạt 18 tiêu chí; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn huyện đã bố trí hơn 43,8 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Nhân dân các cấp càng ngày càng tăng. Tổng số cán bộ công chức người DTTS cấp huyện đến năm 2018 (đã qua tuyển dụng) là 12 người, chiếm 14.8% cán bộ công chức toàn huyện. Ở cấp xã có 168 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách; Trong đó, có 105 cán bộ là người DTTS chiếm 62.5% tổng số cán bộ công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là người DTTS chiếm tỷ lệ 91 % tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đến nay 100% thôn, làng đã có tổ chức Đảng, tổ chức Mặt trận, các đoàn thể; Trên 82% khu cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, 83,4% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 88,9% khu dân cư không phát sinh tội phạm, 100% khu dân cư có quy ước, hương ước; 100% khu dân cư có tổ hòa giải. Cấp ủy chính quyền, đoàn thể ở cơ sở đã vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “ Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”, do vậy tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh vùng dân tộc và miền núi được giữ vững.

          Giai đoạn 2014-2018, kinh tế của huyện tăng trưởng liên tục ở mức cao, với tốc độ bình quân hằng năm đạt trên 16%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng từ tăng từ 15 triệu đồng năm 2014 lên 23 triệu đồng năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 giảm còn 32,55%, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,8%.

          Phát huy kết quả đạt được trong 5 năm qua, Đại hội đại biểu các DTTS huyện Kon Plông lần thứ III năm 2019 đã thông qua Quyết tâm thư, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH; Giai đoạn 2019-2024, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 5-7%/năm; Nâng mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2024 đạt 35-40 triệu đồng/người/năm…; Đồng bào các dân tộc trong huyện chung sức xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng kinh tế động lực phía đông tỉnh Kon Tum.

Về dự Đại hội, thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận những thành tích của huyện Kon Plông thời gian qua, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đồng bào các DTTS. Đồng chí mong muốn thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm phấn đấu đạt được những kết quả to lớn hơn nữa. Tập trung củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc; Phát triển kinh tế-xã hội; chăm lo đời sống Nhân dân; củng cố hệ thống chính trị vững mạnh…

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Kon Plông lần thứ III năm 2019 đã cử 18 đại biểu chính thức, 02 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Kon Tum trong thời gian tới.

Đại hội tôn vinh và trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng 02 tập thể và 10 cá nhân; Ban Dân tộc tỉnh tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 5 cá nhân; Chủ tịch UBND huyện Kon Plông tặng Giấy khen cho 10 tập thể và 35 cá nhân là đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2014-2019./.

Văn Tuấn - Thiều Vân
Số lượt xem:930

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

 

 
Hinh Anh
 
Chuyen doi so
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh

 
Hinh Anh
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KON PLÔNG - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Trưởng Ban biên tập: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao -Du lịch & Truyền thông huyện Kon Plông.
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.848.175 ; Fax: 02603.848002; Email: ubndkonplong-kontum@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.

1576360 Tổng số người truy cập: 310 Số người online:
Phát triển:TNC