banner
Thứ 7, ngày 4 tháng 5 năm 2024
Đảng bộ huyện Kon Plông: Lãnh đạo phát triển bền vững vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen
8-8-2023

Kon Plông, vùng đất cửa ngõ phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, nằm trên dải Trường Sơn đông hùng vĩ. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân các dân tộc huyện Kon Plông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đoàn kết một lòng bảo vệ quê hương.

Sau năm 1975, Kon Plông bước sang một chặng đường mới, cùng cả nước bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước.

Ngày 31 tháng 1 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định 14/NĐ-CP, chia tách, thành lập huyện Kon Plông và Kon Rẫy.

Được mang tên Kon Plông thân thuộc, sau một thời gian chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cần thiết, ngày 28/5/2002, Kon Plông chính thức chuyển về địa điểm mới,  đánh dấu mốc khởi đầu trong chặng đường xây dựng và phát triển.

Khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có 6 đơn vị hành chính xã. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, gần như không điện, không đường…Trung tâm hành chính huyện ngày ấy chỉ là những dãy nhà ván, nhà tôn tạm bợ. Vị trí xây dựng trung tâm hành chính huyện bây giờ, vào năm 2002 là bãi cỏ lau hoang dại, vương vãi thép gai, bom mìn, dấu tích hầm hào, lô cốt, công sự của đồn Măng Đen trong chiến tranh còn hiện hữu như nhắc nhở hậu thế về một thời chiến tranh ác liệt chưa xa.

Ngày ấy, cán bộ Kon Plông đi công tác cơ sở chủ yếu là hành quân đi bộ, cũng ba lô, gạo muối, tư trang, trèo đèo, lội suối, băng rừng đến với Nhân dân. Những bữa cơm tạm bợ với gạo đỏ, cá khô, nước suối, lấy lá chuối rừng trải làm mâm giữa lưng chừng dốc; khát thì chặt ống lồ ô, hứng nước giọt chảy ra từ vách núi mà uống…

Những cung đường nắng bụi, mưa lầy, đu dây rừng qua vách đá cheo leo, cảnh vắt rừng hút máu… đã trở nên quen thuộc, in hằn trong ký ức.
Giữa bộn bề gian khó của những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông đã nêu cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương ổn định tổ chức, bắt tay vào triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống Nhân dân. Trọng tâm là phát triển kinh tế, xã hội; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thông tin, liên lạc, trường học, y tế; quy hoạch và xây dựng trung tâm hành chính; Ổn định chỗ ở cho cán bộ, mà đa số là cán bộ trẻ để họ yên tâm cống hiến. Tiếp đó là hoạch định và triển khai các giải pháp có tính chiến lược thu hút đầu tư, biến vùng đất Măng Đen hoang vu, xa ngái, trở thành điểm sáng, với sự đổi thay vượt bậc.

Thấm thoắt thoi đưa, 21 năm sau ngày chia tách và thành lập huyện, vượt lên biết bao gian khó, Kon Plông đã có sự phát triển thật diệu kỳ. Trong hành trình gian lao ấy, khó có thể kể cho hết công sức, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân đã đoàn kết, chung tay, cống hiến cả thanh xuân để huyện có được diện mạo đầy sức sống ngày nay. Trong hành trình vượt gian khó ấy, có những người cũng đã nằm lại giữa tuổi đôi mươi, hòa mình với tên đất, tên làng, góp thêm sức sống mãnh liệt cho vùng đất này đổi mới, đi lên.

Kon Plông hôm nay đã và đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, là một trong hai vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là Khu du lịch sinh thái Măng Đen, điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn, được du khách gần xa yêu mến đặt cho những mỹ từ như: "Nàng thơ xứ Kon Tum", "Thiên đường xanh cao nguyên" hay "Vương quốc thần tiên", "Xứ sở diệu kỳ"...

Phát huy những tiềm năng, thế mạnh nổi trội, Kon Plông đã có những bước tiến nhanh, đột phá. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư, nâng cấp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nếu như ngày đầu mới thành lập năm 2002, toàn huyện mới chỉ có 03 xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 01 mùa; 9/9 xã trụ sở và trạm y tế đều là nhà gỗ, vách ván, vách tôn tạm bợ; mới chỉ có 05% dân số (02/66 thôn) được sử dụng điện lưới quốc gia và 25% dân số được sử dụng nước sinh hoạt tự chảy, thì đến nay, các xã và hầu hết các thôn đều có đường ô tô đến tận nơi; Hằng ngày đều có các chuyến xe khách kết nối từ thành phố Kon Tum đến tận trung tâm các xã. Có thể tự hào rằng đây là cuộc cách mạng về giao thông ở huyện Kon Plông. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khang trang; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đạt 100% và trên 95% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: Hệ thống thông tin di động, mạng 4G, sóng phát thanh-truyền hình đã bao phủ khắp huyện... Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được xây dựng, nâng cấp và đi vào khai thác như: Quốc lộ 24; Tỉnh lộ 676; Đường Trường Sơn Đông; Thủy điện Đăk Pône; Thủy điện Đăk Đrinh, Thủy điện Đăk Lô, Thủy điện Thượng Kon Tum... đã tạo tiền đề quan trọng cho huyện phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, 03/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của đại bộ phận Nhân dân không ngừng được nâng lên vv...

Từ vùng đất cách trở, đói nghèo, lạc hậu, thường nhận cứu đói của Trung ương và tỉnh mỗi độ giáp hạt, thì nay toàn huyện không còn hộ đói; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, từ 56% năm 2002 (theo tiêu chí năm 2002) xuống còn 23,1% năm 2019, (theo phương pháp tiếp cận đa chiều) và đến cuối năm 2022 tiếp tục giảm xuống còn 14,98%. Đồng bào các dân tộc trong huyện được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, trồng dược liệu, rau, củ, quả, xứ lạnh, trồng cây cây công nghiệp, tham gia hoạt động du lịch cộng đồng vv...Hiện nay, huyện Kon Plông đã có 34 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao cấp tỉnh; Kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2015-2020, đạt 23,7%/năm, năm 2019 đạt 38,9%/năm; đến năm 2022 sau 02 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vẫn đạt mức 23,4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người có mức tăng rất ấn tượng, đến năm 2022 đạt mức 36 triệu đồng/người/năm, tăng gần 19 lần so với năm 2002 khi mới chia tách, thành lập huyện. Thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn đến năm 2022 đạt 542.176 triệu đồng, gấp 2,46 lần chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

"Hữu xạ, tự nhiên hương", nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã tìm về Măng Đen hợp tác đầu tư, làm cho vùng đất này ngày càng thêm khởi sắc. Đến tháng 7 năm 2023, toàn huyện đã thu hút được 77 dự án đầu tư trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch và thuỷ điện với tổng số vốn đăng ký hơn 30.311,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum (đi qua Măng Đen) và sân bay Măng Đen đã được tỉnh Kon Tum đề nghị các Bộ, ngành Trung ương lập khảo sát, quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt triển khai trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án này dành được sự quan tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Kỳ vọng chắp cánh cho Măng Đen, Kon Plông vươn cao, bay xa hơn nữa trong hành trình phát triển.

Công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị được các cấp ủy Đảng-chính quyền quan tâm chú trọng. Năm 2002, khi thành lập huyện, toàn Đảng bộ huyện có 9 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, với 340 đảng viên; Nhiều thôn trắng đảng viên và chi bộ Đảng. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao, đến năm 2011, 100% số thôn của huyện đều có Chi bộ Đảng và đảng viên tại chỗ. Đến tháng 6 năm 2023, toàn Đảng bộ huyện có 49 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, với 2.253 đảng viên, tăng 40 tổ chức cơ sở đảng và tăng 1.913 đảng viên so với năm 2002. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, củng cố vững mạnh. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong huyện cơ bản đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.

Các vấn đề về văn hóa xã hội được chăm lo, giải quyết toàn diện. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm triển khai kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và tăng cường; diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an được triển khai đúng kế hoạch, đạt chất lượng.

Trong chặng đường phát triển mới, để đảm bảo cho Măng Đen, Kon Plông phát triển nhanh và bền vững trên cả ba chiều cạnh: Kinh tế-xã hội-môi trường; Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã lập các thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, đề nghị Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 (Quyết định 298/2013/QĐ-TTg, ngày 05/02/2013); Triển khai Quyết định 298/2013/QĐ-TTg, Kon Plông luôn chú trọng đảm bảo quy hoạch, nhất là trong vấn đề xây dựng các công trình, ưu tiên giữ gìn thảm thực vật, cây xanh, đảm bảo hệ sinh thái; Mọi công trình, kiến trúc đều phải hài hòa với quy hoạch tổng thể và cảnh quan thiên nhiên.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định 298/2013/QĐ-TTg, trước những yêu cầu mới, đòi hỏi của thực tiễn khách quan, huyện Kon Plông tiếp tục tham mưu với tỉnh đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư (nói riêng) và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (nói chung). Đồng thời, đề nghị với tỉnh xem xét, ban hành cơ chế đặc thù để Măng Đen, Kon Plông khơi thông các nguồn lực, có bước phát triển đột phá.

Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Kon Plông đã quyết tâm và quyết liệt triển khai các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường, giữ rừng bền vững. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xét xử nghiêm minh hàng chục vụ án phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Nhờ vậy, tình trạng xâm hại, hủy hoại tài nguyên rừng về cơ bản đã được chặn đứng. Bên cạnh đó, Kon Plông cũng là điểm sáng trong triển khai công tác trồng rừng. Diện tích trồng rừng năm 2023 ở các xã, thị trấn đạt 213ha/173ha, bằng 123,5% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt khoảng 83% tổng diện tích tự nhiên. Đây là tỷ lệ rất cao, hiếm nơi có được. Ngoài trồng rừng, Kon Plông còn đẩy mạnh trồng cây xanh đô thị, cây hoa các loại, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp nhằm thu hút du lịch. Đến nay, huyện đã triển khai trồng hơn 200.000 cây hoa anh đào tại trung tâm huyện, các công sở xã, trường học, các tuyến đường. Mục tiêu mà huyện đặt ra là trồng một triệu cây hoa anh đào nhằm tạo điểm nhấn nổi bật cho du lịch Măng Đen. Hàng năm, khi hoa anh đào nở (thường vào dịp Tết dương lịch), Măng Đen thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm. Lượng khách du lịch đến Măng Đen ngày càng đông, 6 tháng đầu năm 2023 đã đón hơn 500.000 lượt, dự kiến đạt 1.000.000 lượt khách trong năm nay. Lĩnh vực du lịch của huyện có sự tăng trưởng thực sự ấn tượng; Công suất bình quân sử dụng phòng nghỉ đạt từ 70-75%. Hiện Măng Đen đã có trên 100 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng nghỉ các hạng, từ bình dân đến tiêu chuẩn quốc tế bốn sao. Du khách gần xa về với Măng Đen đều có những phản hồi rất tích cực, yêu mến vùng đất cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, văn hóa đặc sắc, con người thân thiện, hiền hòa.

Trong công tác quản lý quy hoạch, đất đai và xây dựng, thời gian qua, huyện đã thành lập tổ công tác đặc biệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hàng chục trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền và công khai các thông tin về quy hoạch, đất đai, xây dựng, xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giảm số vụ việc vi phạm, lập lại trật tự trên địa bàn.

Trước sức hút mãnh liệt của vùng đất Măng Đen đang khai mở với nhiều tiềm năng, triển vọng; đã có nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến đầu tư, làm ăn, sinh sống. Điều này vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đồng thời, cũng đặt ra những yêu cầu nhất định về công tác quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay còn chưa đồng bộ và chưa thể điều chỉnh kịp thời các quan hệ xã hội mới nảy sinh. Vì thế, Măng Đen cũng như nhiều địa phương trong nước còn có những lúng túng, vấp váp, sai sót. Song được sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh và các cấp bộ ngành, huyện thực sự cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm; Kiên quyết xử lý các sai phạm, quyết tâm khắc phục khuyết điểm, hạn chế; Kiên trì thực hiện chiến lược phát triển huyện nhà theo hướng bền vững; Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Trong đó, coi người dân là trung tâm của công cuộc kiến tạo, đổi mới, phát triển. Từ đó, xây dựng nền tảng chắc chắn để bứt phá, tiến lên theo hướng bền vững.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cùng với chủ trương, quyết sách, chiến lược phù hợp, con đường đổi mới, đi lên của huyện Kon Plông ngày càng trở nên sáng rõ, được khẳng định bằng cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học đúng đắn.

Nhìn lại chặng đường 21 năm qua, có thể nói Măng Đen, Kon Plông đã đạt được những thành quả to lớn, rất đỗi tự hào. Mặc dù trước mắt vẫn có nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, sự hỗ trợ của Trung ương và các cấp, các ngành, chúng ta tin tưởng rằng Kon Plông sẽ có những bước tiến nhanh, tiến vững; sớm khẳng định vị thế của vùng kinh tế động lực phía Đông tỉnh Kon Tum với điểm nhấn là Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen vươn tầm khu vực và Thế giới trong tương lai không xa./.

Nguyễn Văn Tuấn
Số lượt xem:855

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


 

 
Hinh Anh
 
Chuyen doi so
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh
 
Hinh Anh

 
Hinh Anh
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN KON PLÔNG - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.
Trưởng Ban biên tập: Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao -Du lịch & Truyền thông huyện Kon Plông.
Địa chỉ: Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Điện thoại: 02603.848.175 ; Fax: 02603.848002; Email: ubndkonplong-kontum@chinhphu.vn.
Bản quyền thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông.

1576360 Tổng số người truy cập: 162 Số người online:
Phát triển:TNC